Sáng ngày 21/1/2019, Chung kết Hult Prize at DTU 2019 đã diễn ra với cuộc tranh tài đầy hấp dẫn của 16 dự án khởi nghiệp đầy tiềm năng của sinh viên Duy Tân. 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba đã được trao cho những ý dự án xuất sắc nhất, đồng thời 2 giải thưởng cao nhất của cuộc thi sẽ đại diện cho Đại học Duy Tân tiếp tục tranh tài tại Vòng Chung kết Hult Prize khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 4/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh sắp tới.
Đa dạng lĩnh vực khởi nghiệp
Lần đầu tiên đến với Đại học Duy Tân, Hult Prize - giải thưởng Khởi nghiệp có quy mô toàn cầu (được Liên hiệp quốc bảo trợ) đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo sinh viên trong toàn trường. Bởi, đây là cơ hội để những sinh viên đam mê khởi nghiệp, đã và đang “nung nấu” những dự án khởi nghiệp đầy tiềm năng có cơ hội được trình bày ý tưởng, tiếp xúc với doanh nghiệp và kêu gọi đầu tư để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình.
TS. Võ Thanh Hải - Trưởng Ban Giám khảo nhận xét về các dự án dự thi
Những dự án khởi nghiệp của sinh viên Duy Tân gửi về dự thi rất đa dạng về lĩnh vực. Trong đó:
Y tế - Giáo dục - Xã hội với các dự án “Tổ chức các trò chơi teambuilding vừa chơi vừa học về các kĩ năng sơ cấp cứu”, “DTUstudy - Nền tảng dạy học trực tuyến & tìm địa điểm học uy tín”, “Mô hình trò chơi phát triển kỹ năng”,...Điều này đã cho thấy sự nhạy bén cũng như khả năng nắm bắt được nhu cầu thực tế, xã hội cần gì? thiếu gì? của sinh viên Duy Tân để từ đó cho ra đời những ý tưởng/dự án khởi nghiệp mới lạ, độc đáo nhưng rất hữu ích đối với cộng đồng.
Không chỉ là mang đến cuộc thi những dự án đầy tiềm năng, các nhóm dự thi còn khiến cho Ban Giám khảo rất “đau đầu” khi chọn ra nhóm có ý tưởng sáng tạo nhất, khả thi nhất. Bởi lẽ các nhóm đều có phong thái thuyết trình rất lưu loát, tự tin phân tích và giải quyết vấn đề, thể hiện được vốn hiểu biết sâu rộng không chỉ ở lĩnh vực được đề cập trong dự án mà còn ở những lĩnh vực liên quan khác. Bên cạnh đó, đối với mỗi nhóm, các thành viên trong Ban Giám khảo Hult Prize at DTU 2019 cũng đưa ra những nhận xét, những góp ý chân thành và sự đánh giá công tâm nhất, từ đó giúp các nhóm rút ra được những bài học lẫn kinh nghiệm để biết được tiềm năng thực sự của dự án mà mình mang đến cuộc thi, đồng thời sau đó phát triển và hoàn thiện dự án của mình như thế nào là tốt nhất.
Những dự án xuất sắc nhất
Trong số 16 dự án lọt vào Chung kết Hult Prize at DTU 2019, dự án “Worky - Phần mềm hỗ trợ tìm việc làm trên thiết bị di động thông minh” của nhóm sinh viên Lê Viết Đô, Trần Thị Lệ Hoan, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Trịnh Cao Gia Huy đã hoàn toàn chinh phục được Ban Giám khảo để giành được giải Nhất. Với dự án Worky, nhóm sinh viên không chỉ tạo ra sự kết nối giữa những bạn trẻ cần việc làm bán thời gian với các nhà hàng, khách sạn,... để giải được bài toán làm thế nào giúp cho 10.000 người có việc làm do Ban Tổ chức đưa ra mà đồng thời còn bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ khi hầu hết các bạn trẻ hiện nay đều có sử dụng smart-phone. Giao diện của Worky cũng được thiết kế đơn giản, thuần Việt, dễ sử dụng, thích hợp với mọi loại smart-phone, mọi hệ điều hành nên rất thuận tiện. Thông qua Worky, người dùng có thể tiếp cận được những thông tin tuyển dụng mới nhất và nhanh chóng, nhà tuyển dụng nhờ đó cũng tiết kiệm được thời gian tuyển dụng.
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho nhóm dự án "Worky - Phần mềm hỗ trợ tìm việc làm trên thiết bị di động thông minh"
Sinh viên Lê Viết Đô (năm Nhất ngành Quản trị Markering) - đại diện nhóm thực hiện dự án Worky chia sẻ: “Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ nhất là các bạn sinh viên muốn tận dụng thời gian rảnh để tìm kiếm việc làm thêm. Tuy nhiên, các bạn phải bỏ ra nhiều thời gian để ‘lang thang’ ở trên đường phố, trên các trang mạng để tìm kiếm thông tin tuyển dụng hoặc đăng ký ở các trung tâm giới thiệu việc làm và phải chờ đợi rất lâu. Với Worky, nhóm chúng em hy vọng sẽ góp phần giúp các bạn tìm được những công việc bán thời gian một cách nhanh chóng, tiết kiệm và phù hợp với nhu cầu của bản thân. Chỉ cần một số thao tác đơn giản trên Worky được cài đặt trên smart-phone, các bạn sẽ nhanh chóng nhận được những thông tin việc làm ở lĩnh vực và khoảng thời gian mình muốn, sau đó trực tiếp liên hệ với nhà tuyển dụng theo thông tin được cung cấp để trao đổi hay thỏa thuận về công việc đó.”
Giải Nhì của Hult Prize at DTU 2019 được trao cho dự án “Du lịch sinh thái bởi người khuyết tật” của nhóm sinh viên đến từ Khoa Du lịch. Đây là dự án được đánh giá cao về tính nhân văn vì triển khai du lịch sinh thái là góp phần bảo bảo vệ thiên nhiên và việc lựa chọn người khuyết tật thực hiện hoạt động này vừa mang lại điểm mới lạ trong du lịch vừa giúp giải quyết được vấn đề việc làm, tạo thu nhập cho người khuyết tật. Với số lượng lao động là người khuyết tật hiện nay ở nước ta là hơn 15.000 người cùng với lợi thế về sự đa dạng sinh học, thiên nhiên và văn hóa ở các vùng miền trên cả nước, loại hình du lịch này kỳ vọng sẽ thu được hiệu quả cao và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong thời gian tới, các nhóm đoạt giải Nhất và giải Nhì Hult Prize at DTU 2019 sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển dự án của mình để đại diện cho Đại học Duy Tân tham dự Vòng Chung kết Hult Prize khu vực Đông Nam Á để giành 1 trong 3 suất đại diện khu vực tham gia chương trình đào tạo toàn cầu tại London từ 2/7/2019 đến 31/8/2019. Căn cứ vào kết quả đào tạo, 6 đội sẽ được chọn để đi tiếp đến Chung kết Toàn cầu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 15/9/2019.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Hult Prize at DTU 2019 đã trao 2 giải Ba cho dự án “App chia sẻ không gian việc làm” và “Efix - app tìm kiếm và sửa chữa các sản phẩm điện dân dụng”. Đây là 2 dự án được đặc cách tiến thẳng vào Chung kết cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp Đại học Duy Tân 2019” sẽ được tổ chức trong thời gian tới.